1. Giới thiệu về Công ty:
Truyền thống lịch sử hào hùng
Sau chiến thắng vĩ đại trước thực dân Pháp, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng và bắt đầu bước vào công cuộc khôi phục, phát triển nền kinh tế từng bước xây dựng Chủ nghĩa xã hội đồng thời thực hiện nhiệm vụ chi viện cho miền Nam nhằm giải phóng hoàn toàn đất nước.
Trong bối cảnh đó, năm 1958 Trung ương Đảng và Hội đồng Chính phủ đã quyết định giao cho Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ tổ chức cuộc vận động vốn góp từ xã hội xây dựng một Nhà máy dệt tại Hà Nội và lấy ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 đặt tên cho Nhà máy.
Ngày 8-3 năm 1960, công trường xây dựng Nhà máy chính thức được khởi động với sự tham gia của hơn 1000 cán bộ công nhân viên được huy động từ Hà Nội và các địa phương như Hà Đông, Sơn Tây, Hải Dương, Nam Định, Nghệ An,…
Với tốc độ thi công khẩn trương, ngày 8 tháng 3 năm 1965, Nhà máy Dệt 8-3 chính thức được khánh thành. Nhà máy đã vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm vào ngày khánh thành. Trước hơn ba ngàn cán bộ công nhân viên Nhà máy, Người đã ân cần nhắc nhở: Nhà máy Dệt 8-3 ra đời là thành quả đổi bằng mồ hôi, xương máu của bao chiến sĩ, đồng bào đã ngã xuống trong sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do, lại được mang tên ngày Quốc tế Phụ nữ, vì vậy mỗi cán bộ, công nhân viên chức nhà máy phải làm việc hết sức mình để xứng với niềm vinh dự và trách nhiệm lớn lao đó.
Dưới sự đánh phá điên cuồng của Đế quốc Mỹ Giai đoạn 1965 – 1968, Nhà máy đã phải tiến hành di dời máy móc, thiết bị đến các địa điểm sơ tán cách xa nhà máy từ 10km đến 50km. Trước tình hình bộn bề đó, nhà máy đã phát động các cuộc vận động thi đua, đổi mới cung cách quản lý nhằm hoàn thành kế hoạch được giao: năm 1965 Nhà máy hoàn thành kế hoạch trước 5 ngày, năm 1966 vượt trước thời hạn 15 ngày, năm 1967-1968 đều hoàn thành kế hoạch được giao.
Trên mặt trận chiến đấu, cùng với nhân dân toàn miền Bắc, lực lượng tự vệ của Nhà máy đã chiến đấu anh dũng, lập được nhiều chiến công: ngày 10/12/1967 bắn rơi 1 phản lực, ngày 13/03/1968 bắn rơi 1 máy bay không người lái của không quân Mỹ,…
Cuối năm 1968, Đế quốc Mỹ buộc phải ngừng ném bom đánh phá miền Bắc. Nhà máy lại di chuyển máy móc, thiết bị, vật tư từ các địa điểm sơ tán về địa bàn chính, khôi phục sản xuất. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn sau chiến tranh, nhưng Nhà máy vẫn hoàn thành các chỉ tiêu Nhà nước giao: năm 1969 giá trị tổng sản lượng đạt 101,87%, nộp tích lũy đạt 102,7%; năm 1970 vượt mức kế hoạch Nhà nước trước thời hạn 15 ngày; năm 1971 hoàn thành vượt mức kế hoạch trước 1 tháng 5 ngày, vượt 10% các chỉ tiêu kế hoạch, được nhận cờ thưởng luân lưu của Hội đồng Chính phủ, được công nhận là đơn vị sản xuất và quản lý khá nhất ngành Công nghiệp nhẹ.
Năm 1972, Đế quốc Mỹ lại điên cuống đánh phá miền Bắc lần hai. Nhà máy lại một lần nữa phải di chuyển các cơ sở sản xuất ra 9 địa điểm sơ tán. Sau chiến tranh, Nhà máy lại tích cực, khẩn trương khôi phục, phát triển sản xuất: năm 1973 nhà máy hoàn thành vượt mức kế hoạch được giao; năm 1974 vượt mức kế hoạch trước 7 ngày và vượt chỉ tiêu 1 triệu mét vải.
Từ năm 1975-1990 là giai đoạn khắc phục hậu quả do chiến tranh để lại, ổn định sản xuất, chuyển đổi mô hình hoạt động. Liên tiếp trong nhiều năm liền Nhà máy luôn hoàn thành vượt mức kế hoạch, góp phần to lớn vào sự phát triển chung của nền kinh tế quốc dân.
Chuyển đổi mô hình, sẵn sàng dối diện thách thức
Giai đoạn 1991-2000 chứng kiến sự thay đổi trong mô hình hoạt động của Nhà máy. Ngày 13/12/1991, Bộ Công nghiệp nhẹ ra Quyết định chuyển tổ chức hoạt động của Nhà máy Dệt 8-3 thành Nhà máy Liên hợp Dệt 8-3. Ngày 26/07/1994, chuyển đổi thành Công ty Dệt 8-3. Bên cạnh việc chuyển đổi mô hình hoạt động, Dệt 8-3 cũng đẩy mạnh công tác đầu tư trên các lĩnh vực sản xuất Sợi – Dệt – Nhuộm & in hoa. Tuy quá trình hoạt động sản xuất còn gặp nhiều khó khăn nhưng Dệt 8-3 vẫn hoàn thành các kế hoạch, chỉ tiêu đã đề ra, đời sống người lao động được nâng cao.
Trong giai đoạn 2001-2014, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ, Bộ Công thương và Tập đoàn Dệt May Việt Nam, Dệt 8-3 tiến hành di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi nội đô. Đây là giai đoạn với nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm đối tác có đủ năng lực để khai thác quỹ đất nhằm tạo nguồn cho di dời nên thời gian bị kéo dài khiến cho việc đầu tư thay đổi công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất phải tạm dừng, sản xuất bị phân tán, người lao động không thể tiếp tục gắn bó với Công ty làm mất đi nguồn nhân lực chất lượng cao về kỹ thuật, công nghệ,… Tính đến năm 2012, năng lực sản xuất của Dệt 8-3 chỉ còn 2 vạn cọc sợi, 56 máy dệt với sản lượng khoảng 400.000 m/tháng.
Tuy nhiên, trong năm 2013-2014, với sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Công thương, Tập đoàn Dệt May Việt Nam, Công ty cũng đã từng bước đẩy mạnh công tác đầu tư trên cả hai lĩnh vực dệt kim và dệt thoi, tái cơ cấu hệ thống sản xuất – quản trị - kinh doanh và bước đầu đạt được những kết quả khả quan.
Với lịch sử 50 năm sản xuất – chiến đấu hào hùng, Dệt 8-3 đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu, huân chương cao quý, trong đó có 01 tập thể và 02 cá nhân được tặng thưởng danh hiệu anh hùng lao động. 19 huân chương các loại cho các tập thể và cá nhân.
Hồi phục và tạo đà phát triển
Tiếp nối truyền thống lịch sử hào hùng, nhằm hồi phục và tạo đà phát triển trong tương lai, Công ty Dệt 8-3 xác định cần tiến hành đẩy mạnh công tác đầu tư trên các lĩnh vực Sợi – Dệt – Nhuộm & in hoa – May nhằm tạo ra các chuỗi sản xuất liên tục cả về dệt kim và dệt thoi.
Tại khu vực miền Bắc, tiến hành đầu tư Nhà máy kéo sợi mới 02 vạn cọc sợi tại Thị trấn Yên Mỹ - tỉnh Hưng Yên, dự kiến Quý IV/2015 sẽ chính thức đưa vào sản xuất. Đầu tư bổ sung máy móc thiết bị, nâng cao năng lực sản xuất trong khâu dệt – nhuộm & in hoa nhằm xây dựng trung tâm dệt kim với quy mô lớn tại khu vực Hưng Yên. Tiếp tục đầu tư Nhà máy May sản phẩm dệt kim – dệt thoi theo hướng sản xuất hàng FOB, ODM nhằm hoàn tất chuỗi sản xuất liên tục cũng như tạo giá trị gia tăng cao hơn cho sản phẩm.
Tại khu vực miền Trung, trên cơ sở mua lại hệ thống nhà xưởng, máy móc thiết bị hiện đại do Tập đoàn ITG – Hoa Kỳ đầu tư, xây dựng trung tâm Dệt – Nhuộm & hoàn tất – May sản phẩm dệt thoi. Tổ hợp sản xuất nêu trên nằm trong cùng một khu vực có diện tích hơn 15 hecta với hệ thống máy móc thiết bị có xuất xứ chủ yếu từ Châu Âu, Nhật Bản và được đánh giá là một trong những dây chuyền hiện đại nhất Đông Nam Á.
Hướng tới giai đoạn 2015-2020, Công ty sẽ đẩy mạnh phát triển mô hình sản xuất kinh doanh ODM trên toàn hệ thống trên cơ sở các dự án đầu tư được triển khai đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực Sợi – Dệt – Nhuộm & hoàn tất – May tại khu vực miền Bắc và miền Trung nhằm tạo ra các chuỗi sản xuất liên tục với quy mô lớn, đón đầu các Hiệp định tự do thương mại song phương và đa phương (TPP, FTA,…).
Với truyền thống lịch sử hào hùng, thế hệ cán bộ, công nhân viên của Công ty Dệt 8-3 sẽ tiếp tục phát huy sức sáng tạo, chủ động, đổi mới trong công tác quản trị sản xuất – kinh doanh nhằm đưa Công ty Dệt 8-3 trở thành đơn vị nòng cốt không chỉ của Tập đoàn Dệt May Việt Nam nói riêng mà còn của ngành Dệt May Việt Nam.
2. Ngành nghề kinh doanh:
Sản xuất sợi, vải dệt thoi; vải dệt kim, sản xuất hàng may mặc; sản xuất thảm chăn đệm;sản xuất các loại dây bện và lưới; sản xuất trang phục dệt kim đan móc; sản xuất các loại hàng dệt khác;
· Kinh doanh nguyên - phụ liệu, hóa chất, vật tư, thiết bị, phụ tùng hỗ trợ ngành sản xuất chính dệt may.
· Kinh doanh ô tô, vận chuyển hành khách và hàng hóa bằng đường bộ; bảo dưỡng sửa chữa ô tô.
· Xây dựng nhà các loại, xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng khác, hoàn thiện công trình xây dựng.
· Lắp đặt máy móc và thiết bị công nghiệp; lắp đặt hệ thống điện; lắp đặt hệ thống cấp thoát nước, lò sưởi và điều hòa không khí.
· Cho thuê máy móc, thiết bị và đồ dùng hữu hình khác.
3. Người đại diện theo pháp luật:
Ông: Phạm Văn Tuyên.
Chức danh: Chủ tịch Hội đồng thành viên.
Ông : Phạm Văn Tuyên.
Chức danh: Tổng Giám Đốc.
4 - Trụ sở chính Công ty:
Địa chỉ trụ sở chính: 460 đường Minh Khai, Phường Vĩnh Tuy, Quận Hai Bà Trương, Thành phố Hà Nội, Việt Nam.
· Điện thoại: 38624460 Fax: 38624463
. Email: info@em-texco.com
. Website: www.emtexco.vn
· Chủ sở hữu: TẬP ĐOÀN DỆT MAY VIỆT NAM