CÔNG TY TNHH MỘT THÀNH VIÊN DỆT 8-3

EIGHT MARCH TEXTTILE COMPANY LIMITED

“NHÀ MÁY PHÁT TRIỂN LÀ HẠNH PHÚC CỦA TÔI”

Ngày: 10h:20 (GMT+7) - Thứ sáu, 8/11/2019  |  Lượt Xem: 3261

Lê Thiều Nga, “cô giáo” đào tạo tay nghề cho CN của Công ty TNHH MTV Dệt 8-3, luôn quan niệm: “Chất lượng sản phẩm không đạt tiêu chuẩn thì đồng lương của CN cũng sẽ bị ảnh hưởng theo”. Tôn chỉ ấy, đã giúp chị đào tạo ra được những khoá CN vô cùng lành nghề, có tâm huyết với nghề, yêu thích và gắn bó với công việc. Hạnh phúc của người phụ nữ ở độ tuổi tứ tuần, đâu chỉ là vượt qua được do dự trong những tháng ngày làm việc cùng Nhà máy, mà còn là được chứng kiến Dệt 8-3 đã vực lại một thương hiệu sau những tháng ngày gian khó.

Lê Thiều Nga, “cô giáo” đào tạo tay nghề cho CN của Công ty TNHH MTV Dệt 8-3, luôn quan niệm: “Chất lượng sản phẩm không đạt tiêu chuẩn thì đồng lương của CN cũng sẽ bị ảnh hưởng theo”. Tôn chỉ ấy, đã giúp chị đào tạo ra được những khoá CN vô cùng lành nghề, có tâm huyết với nghề, yêu thích và gắn bó với công việc. Hạnh phúc của người phụ nữ ở độ tuổi tứ tuần, đâu chỉ là vượt qua được do dự trong những tháng ngày làm việc cùng Nhà máy, mà còn là được chứng kiến Dệt 8-3 đã vực lại một thương hiệu sau những tháng ngày gian khó.

ĐÔI LẦN DO DỰ

Vào làm tại Nhà máy Dệt 8-3 từ năm 1994, đến năm 1995 chị Lê Thiều Nga được ký hợp đồng chính thức. Với những ký ức còn vẹn nguyên như ngày hôm qua của mình, chị Nga bồi hồi nhớ lại những năm tháng tuy có phần khó khăn nhưng vô cùng hạnh phúc. Thập niên 80, được vào làm công nhân của những Xí nghiệp quốc doanh như: Dệt 8-3, Hanosimex, May 10… là niềm mong ước của rất nhiều người, trong đó có chị. Chỉ đến khi đất nước mở cửa và hội nhập vào thập niên 90, nền kinh tế thị trường đã tạo ra bước ngoặt vô cùng lớn, cũng như tạo cơ hội cho những người như chị Nga xin việc tại những đơn vị quốc doanh. Khó khăn là thế, nhưng chính trong những năm tháng ấy, đã rèn dũa lên một người phụ nữ với tinh thần lạc quan, luôn mỉm cười trước gian khó. Thế nhưng, mỗi người đều có bản ngã rất riêng, mà một người lạc quan như chị cũng đã từng có những lần do dự trước quyết định của cuộc đời mình. 

Gần 15 năm gắn bó với công việc, năm 2010 chị và rất nhiều đồng nghiệp nghe tin Dệt 8-3 sẽ phải di dời ra khỏi nội đô. Nhà gốc Hà Nội, thuận tiện cho việc đi làm, chăm sóc gia đình. Đứng trước “ngã ba” lựa chọn đi theo nhà máy hay nhận một phần trợ cấp rồi nghỉ việc, giữa cái “được” và “mất”, chị đã có những đêm “mất ngủ” bởi những suy nghĩ đan xen. Chị kể, hồi đó công ty cho 2 lựa chọn, nếu nghỉ việc thì sẽ được nhận 2 tháng lương, còn đi theo công ty tới địa điểm mới được hỗ trợ nửa tháng. Rõ ràng, với những lựa chọn đó, đa phần công nhân đều lựa chọn nghỉ việc hay nghỉ chế độ sớm vì hầu hết cũng đã ở độ tuổi tứ tuần, phần vì đi làm xa không có thời gian chăm lo cho gia đình.

Chị đem những câu hỏi đó về tâm sự với bố mẹ chồng. Nhưng trái với những gì chị nghĩ, bố mẹ chị lại vô cùng tâm lý khi nhận chăm sóc con cái giúp chị và động viên chị đi theo công ty cho đến ngày nghỉ chế độ. Được bố mẹ động viên, có thêm điểm tựa về mặt gia đình, chị quyết định đi theo công ty dù những ngày đầu di dời vô cùng gian khó, vừa phải khôi phục sản xuất, vừa phải lắp đặt máy móc, dọn dẹp phân xưởng… Chị kể, chị là CN công nghệ duy nhất, cùng với 1 số người trong khối văn phòng đi theo Nhà máy Sợi xuống Phú Xuyên. Còn Nhà máy Dệt được di dời về Yên Mỹ (Hưng Yên).

Thử thách chưa dừng lại ở đó, năm 2011, khi Dệt 8-3 di dời xuống Phú Xuyên (Hà Nội), chị được công ty cử đi 1 tháng tới Huế đào tạo Trưởng ca và CN công nghệ đúng lúc con trai cả của chị thi chuyển cấp. Thu xếp ổn thoả công việc gia đình, lo cho con thi cử xong xuôi, chị mới yên tâm lên đường đi học. Chị nói, thời điểm đó internet hay điện thoại thông minh đâu có phổ biến như bây giờ, tới Huế ngày nào cũng điện về nhà hỏi xem kết quả thi cử của con, cũng như tình hình gia đình. Hơn hết, cũng giống như bao nhiêu người phụ nữ khác, dù công việc có bận rộn đến đâu, chị vẫn dành một phần trong quỹ thời gian của mình để dành cho con cái, gia đình. May mắn, hai đứa con của chị đều ngoan, nghe lời bố mẹ, có thành tích học tập tốt nên chị mới yên tâm đi học, đi làm từ sáng sớm tới tối muộn. Kết thúc khoá học, chị được Ban lãnh đạo Công ty đề bạt lên vị trí công việc mới, đó là đào tạo dạy nghề cho CN công nghệ, cũng như tham gia quản lý chất lượng của Nhà máy Sợi. Nhiều người vẫn gọi vui, chị là “cô giáo” của Dệt 8-3.

Năm 2016, chị có cơ hội trở về làm việc tại Hà Nội theo lời mời của một người bạn. Công việc có thể nhàn hơn, mức lương, đóng bảo hiểm cũng được đơn vị đó hứa hẹn sẽ bằng với công việc hiện tại. Thêm một lần do dự, vì công việc mới gần nhà, tiện bề chăm sóc bố mẹ chồng cũng như con cái. Nhưng, chị lại trăn trở, vị trí hiện tại dù có đôi chút vất vả, nhưng nó đã theo chị suốt hơn 20 năm, giờ tuổi chị cũng đã ở tứ tuần, liệu rằng chị có bắt kịp công việc mới, chế độ đãi ngộ của công ty tư nhân liệu có được như Dệt 8-3? Một lần nữa, chị lại đem những suy nghĩ ấy để tâm sự với bố mẹ chồng, phân tích những cái được và mất khi chuyển đổi công việc. Bố mẹ chị chỉ động viên, còn ít năm nữa là về nghỉ chế độ, nên cố gắng gắn bó với nghề, công việc gia đình cứ để bố mẹ lo. Đến bây giờ nhìn lại, nếu như không có bố mẹ chồng động viên, có lẽ chị đã chẳng thể vượt qua được những “ngã rẽ” đó. Đi làm từ tờ mờ sáng, về tới nhà cũng là lúc phố phường lên đèn. Gần chục năm qua, những đồng nghiệp cùng trang lứa với chị giờ đã an nhàn tuổi già, người thì chuyển đổi công việc mới… nhưng với chị, lựa chọn đi theo Công ty mang đến cho chị nhiều cái “được” hơn là “mất”.

BUỒN VUI VỚI NGHỀ

Trở thành “cô giáo” đào tạo cho những thế hệ CN mới vào làm việc, chị kể rằng công việc có không ít những buồn vui. Nếu như trước đây, Nhà máy còn cũ kỹ, công nhân phải lao động chân tay, sức người nhiều hơn… thì nay hầu như mọi thao tác đều có máy móc. CN không chỉ đơn thuần là lao động chân tay, mà đều được gọi là CN công nghệ. Tuy nhiên, để đào tạo được một người có kỹ năng thuần thục, cần có thời gian cũng như sự kiên nhẫn.

Chị kể, do đặc thù Nhà máy Sợi Yên Mỹ nằm trong KCN, nên việc tuyển đầu vào đôi lúc rất khó khăn. Công ty phải lựa chọn, tuyển dụng từ nhiều tỉnh thành khu vực phía Bắc, rồi hỗ trợ CN trong việc ăn ở mới có thể giữ chân NLĐ. Nhưng, có nhiều người chị đặt rất nhiều tâm huyết, tình cảm, chỉ bảo từ những điều nhỏ nhặt nhất trong công việc, khi thuần thục nghề lại bỏ việc giữa chừng. Những lúc ấy, chị chỉ biết thở dài và có chút bất lực. Chị kể: “Bây giờ NLĐ có nhiều lựa chọn nghề lắm, đâu có như thế hệ chúng tôi. Nhiều người vừa được tôi đào tạo xong, thấy công ty khác trả lương cao hơn là sẵn sàng nhảy việc. “Cô giáo” như tôi, nhìn học sinh như thế đôi lúc cũng có chút chạnh lòng.”

Nhưng đó cũng chỉ là một phần nhỏ trong công việc, bởi trong Nhà máy Sợi có rất nhiều công đoạn nên việc đào tạo đầu vào cũng vô cùng khó khăn. Những lúc ấy, chị sẽ xem xét ai có sức khỏe, nhanh nhẹn, học việc nhanh sẽ phân công ở những công đoạn quan trọng. Còn những người chậm hơn sẽ tìm vị trí sử dụng sức lao động nhiều hơn, ví dụ như khâu đóng gói thành phẩm. Còn những người không thể đảm nhiệm vị trí nào, chị sẽ có những lời khuyên để họ lựa chọn công việc khác. Chị nói, công nhân chủ yếu là từ vùng sâu, vùng xa nên nhận thức, độ nhanh nhạy của các em đôi khi có phần hạn chế. Nhiều em ở tận Sơn La, người dân tộc thiểu số xuống đây làm việc. Đôi khi vì đặc thù văn hoá, nên mình phải khéo léo để các em có thể tiếp thu, cũng như cầm tay chỉ việc cho các em từ những khâu cơ bản nhất. Những lúc đó có phần cực nhọc, nhưng chính các em lại là những người mà chị thương nhất, vì tính chất phác, hiền lành, tiếp thu tuy chậm nhưng chịu khó học hỏi và gắn bó với nghề.

Hơn 20 năm gắn bó với công ty, kỷ niệm của chị với công việc nhiều không kể xiết. Chị nói, chắc chỉ có ở Dệt 8-3, vào những kỳ nghỉ mát, Ban lãnh đạo Công ty đều đi chung với NLĐ và nhiệt tình tham gia các trò chơi team buiding. Nhiều em sau khi được chị đào tạo sau này trở thành đồng nghiệp thân thiết, lứa công nhân đầu tiên được chị đào tạo cũng đã có người lên cấp Tổ trưởng, Trưởng ca. Thành công của họ, cũng từ một phần công sức của chị. Chị nói: “Chứng kiến các em trưởng thành, chứng kiến sự vực dậy của Nhà máy sau khi di dời, đôi lúc tôi thấy mình trẻ ra cả chục tuổi.”

Khi PV hỏi về những thành tích chị đã đạt được trong suốt những năm tháng gắn bó với Dệt 8-3, chị chỉ cười hiền rồi nói: “Mình già rồi, thành tích mà làm gì. Để cơ hội đó cho tụi trẻ.” Chị nói thế không có nghĩa là không có thành tích nào đáng kể. Năm 2009 – 2010, chị là CN duy nhất của Dệt 8-3 tham dự Đại hội tay nghề giỏi của ngành. Bên cạnh đó, trong suốt 5 năm liên tục, chị đều là CN xuất sắc, tiêu biểu của Công ty.

Hiện nay chuyên tâm mảng đào tạo, những danh hiệu với chị không còn quan trọng. Chị tâm sự, khi nghe tin có những CN có ý định nghỉ việc, với tư cách là “chị cả” của Nhà máy, chị chỉ thủ thỉ tâm sự để mọi người hiểu ra được việc gắn bó với Nhà máy có những cái lợi như thế nào. Vì chị hiểu, làm ở đâu cũng thế, nếu như không có sự gắn bó, đâu đòi hỏi được lợi ích từ phía DN. Với chị, chị chỉ nghĩ đơn giản rằng, mọi công đoạn trong Nhà máy được thông suốt, công ty phát triển có doanh thu hàng năm, chính là những phần thưởng, là tiền lương, tiền thưởng chị và những đồng nghiệp sẽ nhận được. “Hạnh phúc của tôi là sự phát triển của nhà máy.” Chị ngập ngừng nói và nở nụ cười thật tươi

Thảo luận Facebook

Giúp chúng tôi đánh giá, thảo luận